QUẢN LÝ CHUNG CƯ - Công ty bảo vệ Đông Đô

QUẢN LÝ CHUNG CƯ

18-12-2014

 

QUẢN LÝ CHUNG CƯ

 

Sau rất nhiều năm được nâng lên đặt xuống với nhiều văn bản luật và nhiều lần hội thảo của các cơ quan chức năng, vấn đề   chung cư dường như càng ngày càng rối. Cứ sau một văn bản pháp luật được ban hành để chặn một bất cập phát sinh trong quá trình điều hành và quản lý với kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng bất ổn tại các khu chung cư, các tranh chấp dường như lại bùng phát dữ dội hơn.

 

Trong vòng 1 tuần qua, tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội, từ cao cấp cho đến thấp cấp, liên tục xảy ra xô xát, mâu thuẫn, thậm chí… đổ máu giữa người dân sinh sống trong các khu chung cư và chủ đầu tư hoặc những người có chức năng

quản lý chung cư điển hình có thể kể đến việc cư dân khu  chung cư 93 Lò Đúc xô đổ tường, dùng đũa nhọn đâm bảo vệ vì cho rằng chủ đầu tư là Công ty Kinh Đô xây dựng trái phép trên diện tích chung của tòa nhà.

 

Đại diện Tập đoàn Bitexco, chủ đầu tư khu  chung cư cao cấp The Manor, Mễ Trì, Từ Liêm cũng vừa ra thông báo, có thể phải ngừng cung cấp dịch vụ trông giữ xe tại tầng hầm từ ngày 1-12-2012, do nhiều chủ hộ không đóng phí. Còn đại diện ban quản trị một quản lý chung cư một thời được xem là cao cấp tại Hà Nội đang phải âm thầm đi nhiều nơi xin tư vấn để… đòi 2% phí quản lý theo đúng luật do chủ đầu tư không chịu bàn giao….

 

Điều đáng nói là đầu tháng 11, Sở Xây dựng Hà Nội vừa mới tổ chức một cuộc tọa đàm về  quản lý  chung cư cao tầng. Tại đó, nhiều vấn đề liên quan tới quản lý, sở hữu chung - riêng, phí dịch vụ... đã được chính các chủ đầu tư, cơ quan chức năng, các chuyên gia bàn thảo sôi nổi.

 

Trước đó không lâu, cũng với nội dung tương tự, một hội thảo về  quản lý chung cư cao tầng do Bộ Xây dựng tổ chức cũng vừa mới được triển khai với nhiều giải pháp từ vĩ mô cho đến vi mô đã được đưa ra. Thực trạng trên dễ dàng khiến những người quan tâm đến tình hình quản lý tại các khu chung cư cho rằng, những bất cập nảy sinh trong quá trình sử dụng chung cư dường như đang “nhờn thuốc” hoặc là cơ quan quản lý đã bắt không đúng bệnh nên “kê đơn” chưa chính xác.

 

Bằng chứng là các quy định của cơ quan chức năng đã không đủ mạnh để dẹp yên được những tranh chấp từ nhỏ nhất như phí trông xe cho đến những tranh chấp mang tính xung đột lợi ích quanh vấn đề chung - riêng.

 

Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến vấn đề vẫn rối tung dù đã nghiên cứu nhiều năm đó là cho đến nay vẫn chưa xác định được ai là người chịu trách nhiệm chính ở các khu chung cư: ban quản trị tòa nhà hay chủ đầu tư? Nếu ban quản trị tòa nhà là “nhạc trưởng” thì quyền hạn lại quá ít, không có tư cách pháp nhân, nếu xảy ra sự cố vẫn cần đến chủ đầu tư.

 

Còn nếu chủ đầu tư là “nhạc trưởng” thì dường như xung đột về lợi ích lại ngày càng gia tăng. Mới đây, đã có ý kiến được khá nhiều người đồng tình cho rằng, những khúc mắc này cần phải tháo ngay từ đầu chứ không phải đợi đến lúc xảy ra sự vụ rồi mới điều chỉnh. Đó là ngay từ khi bán căn hộ phải có điều lệ quản lý tạm thời gắn với hợp đồng.

 

Đặc biệt phải nêu rõ các phần sở hữu chung, riêng, phần sở hữu của chủ đầu tư. Người mua phải xem kỹ và đã ký hợp đồng là phải cam kết thực hiện điều lệ tạm thời. Khi quá 50% căn hộ chung cư được bán hoặc được sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm cùng chính quyền tổ chức hội nghị  chung cư, đồng thời bắt buộc chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đến cùng với dự án của mình và chính quyền địa phương sẽ tăng cường giám sát.

 

Lý thuyết là thế nhưng để thực hiện được có vẻ như không dễ trong tình cảnh còn khá nhôm nhoam tại các  chung cư hiện nay. Để làm được, chắc chắn cần nhiều hơn nỗ lực của các cơ quan giám sát. Ngoài bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc, thì giám sát việc “uống thuốc” cũng là một vấn đề mà các cơ quan chức năng cần lưu tâm.

 


content-content/detail